Làm nông cả đời mà nghe cái đứa không biết làm nông!”
Mới đó mà Bảo An trồng lúa cũng được 3 năm rồi. Bảo An không trực tiếp trồng, nhưng nhờ bạn thân, cậu mợ và bác ở quê Nông Sơn trồng giúp.
Ở quê, nói trồng lúa không phân thuốc thì cả làng xem mình như kẻ gàn dở, chơi . Một số ít tiếp xúc nhiều với Bảo An thì vừa tin vừa lo. Họ tin vì họ biết mình như thế nào, nhưng họ vẫn sợ rủi ro, sợ mất mùa thì họ mất trắng.
Bảo An tặng giống, trả công cày bừa. Sau thu hoạch, trừ đi chi phí mà có lợi nhuận thì Bảo An chia phần trăm. Nếu thất thu và lỗ thì Bảo An chịu. Họ vẫn lo!
Thuyết phục mãi, Bảo An cũng nhờ được một số người thân quen trồng lúa cho mình.
Mùa vụ đầu tiên, khi hạt thóc được gieo xuống, nẩy mầm, cỏ cũng theo đó mọc lên, chòm xóm lại lời ra lời vào.
“Lúa cỏ không mà không bón phân lấy chi mà ăn
Hắn có tiền hắn chơi ngông mà bây cũng nghe theo”
Người nông dân lại được một phen lo lắng rối bời!
Tới ngày thu hoạch, năng suất không như mong đợi, một chị bỏ cuộc. Bảo An cũng có phần lung lay. May mà có anh Lợi.
“Thì từ hồi mô mình bán thực dưỡng cũng có lỗ có lời chi mô. Nên giờ mình làm có lời có lỗ cũng rứa à. Mình cứ làm hết sức điều mình tin là tốt thôi em!”
Đúng! Nhớ những ngày đầu, anh Lợi ngày giao 5 phần gạo lứt muối mè mà kiên nhẫn đi giao dù nhà khách có ở xa đi nữa. Nếu hồi đó mà Bảo An cũng nghĩ tới lời lỗ thì không làm nổi. Và Bảo An cho mình cùng người dân quê mình thêm cơ hội, cho phép thử nghiệm và chấp nhận thất bại trong vòng 3 năm.
Thửa ruộng mà chị kia bỏ cuộc không làm nữa. Bảo An chấp nhận để không vậy chứ nhất quyết không làm gì khác. Vậy lại hay. Đất có được một khoảng thời gian nghỉ ngơi.
Đến vụ thứ ba, Bảo An may mắn thuyết phục được chị bạn thân. Vì chị hiểu việc trồng lúa không phân thuốc có lợi cho chính chị, không tổn hại sức khoẻ, lại có gạo sạch để ăn. Và chị thương Bảo An tất tả một hai phải trồng lúa theo hướng tự nhiên cho bằng được, chị nhận lời.
Vụ này cỏ vẫn mọc nhiều. Và cỏ sống phần cỏ, lúa sống phần lúa. Nhưng vụ này những cánh đồng lúa của Bảo An bội thu.
“Chồ, nhìn lúa hắn vàng khè rứa hỉ, cỏ không rứa hỉ, mà cũng đoạt gướm hỉ.”
Người nông dân vừa phấn khởi vừa bất ngờ. Và khi nhận thêm được phần lợi nhuận, ngoài phần tiền công được trả riêng, họ mừng lắm. Và từ vụ đó, người nông dân hăng hái tự tin hơn với công việc mình làm, để cỏ lớn lên yên bình cùng lúa!
.
Nhìn lại chặng đường 3 năm, Bảo An biết ơn rất nhiều những người nông dân đã chấp nhận thay đổi tư duy, chấp nhận đồng hành cùng Bảo An. Không có những người nông dân tiên phong ấy, thì chắc sẽ không có gạo đỏ đồng bằng Bảo An bây giờ.
Biết ơn mảnh đất nơi quê mình, năm nào cũng chịu nước lũ, để rồi ngày càng bù đắp phù sa cho đất thêm màu mỡ để nuôi dưỡng những hạt gạo thêm ngọt lành.
Và Bảo An biết ơn rất rất nhiều tất cả những vị khách đã ủng hộ Bảo An trong suốt nhiều năm qua để Bảo An thêm vững lòng theo đuổi làm thực phẩm theo hướng tự nhiên.
Và cuối cùng, không biết dành lời nào cho ba Lợi, người đồng hành vững chãi của em!