CHO TRẺ ĂN CHAY HAY ĂN MẶN?
Mình là một người ăn chay. Cũng không hẳn. Mình bắt đầu chỉ ăn thực vật từ 2015 nên tạm gọi là ăn chay vậy. Mình cũng là một người thực hành Dưỡng sinh từ tháng 11-2017 (dưỡng sinh chay) – hiện tại cũng vậy. Nhiều người hỏi tu cái gì, nguyện cái gì mà ăn chay? Mình chẳng nguyện cái gì cả, và cũng không cho là sự tu tập nằm ở việc ăn chay. Một cái gì đó đã thay đổi trong tâm thức của mình sau một biến cố cá nhân nên vào thời gian đó mình chỉ không thích ăn thịt nữa thôi. Đơn giản vậy thôi. Đương nhiên, mẹ mình suốt ngày mình phàn nàn về việc mình ăn chay thiếu chất này nọ. Và cũng có những khoảng thời gian mình tiêu cực (mẹ lẫn mình) đến nỗi mẹ còn lén băm nhỏ thịt bỏ vào cháo cho mình ăn, rồi có lúc áp lực từ mẹ và sức khỏe do thực hành ăn chay thiếu hiểu biết (trước khi ăn Dưỡng sinh) dẫn đến việc mình suýt ăn thịt trở lại. Qua những thời gian cực đoan thì bây giờ mình thấy rằng vấn đề nằm tất cả ở mình mà thôi. Bây giờ, khi mẹ nấu một món ăn có thịt xào với rau, mình sẵn sàng ăn rau vì điều đó làm mẹ mình vui. Mà đúng ra bây giờ có ăn vào trúng vài lát thịt vài miếng cá mình vẫn thấy thoải mái và biết ơn, đôi khi con khen ngon và thấy khuôn mặt mẹ như bừng sáng hẳn. hihi. Nhưng thật ra từ khi mình chuyển sang ăn thực vật, ba mẹ mình cũng chuyển sang gần như ăn 70% là thực vật trong bữa ăn, cũng cực kì ít ăn thịt, chỉ ăn cá là chủ yếu. Đó là điều tuyệt vời mà mình có thể hỗ trợ cùng nhau chứ không đưa đến những sự căng thẳng trong tâm lý.
Nhiều người nói ăn chay gì kì vậy. Mình thấy cũng không cần giải thích, bây giờ lại thấy đừng tuyên bố ăn chay gì cả, tuyên bố ĂN TẠP là tốt nhất. Nhưng thật ra, ăn gì không quan trọng, mà chính việc ăn ít mới quan trọng. Mình chỉ ăn mỗi ngày 1-2 bữa, không ăn vặt và thiết lập những sự nhịn ăn đều đặn hơn. Bởi vì chúng ta hay cho rằng ăn chay là một phép thực tập nhân đạo, nhưng nếu thực tập nhân đạo thực sự bạn sẽ thấy nhổ một cái cây khỏi đất để phục vụ cho bữa ăn của mình cũng gây ra một sự khó khăn nhất định trong tâm hồn mình rồi chứ không chưa nói đến việc giết chóc. Thực vật cũng có sự sống của nó, và chúng ta không nên tự cho mình quyền được ăn cái này hay cái kia. Chúng ta ăn làm sao để cơ thể khỏe mạnh và thoát khỏi cái thõa mãn ăn uống của mình là phép ăn uống đúng.
Nhiều chuyện quá! Thật ra hôm nay không phải nói về việc ăn của mình. Mình muốn nói về việc cho trẻ em ăn chay hay ăn mặn?
Một trào lưu ăn thực vật đang diễn ra rộng khắp trên thế giới, người ta nói về việc nền công nghiệp chăn nuôi đang tạo ra khí thải rất lớn, làm hủy hoại môi trường. Rồi thịt gây ung thư, hại thận, động vật chăn nuôi bằng thực phẩm thúc đẩy tăng trưởng dẫn đến khả năng gây dậy thì sớm ở trẻ,… vì vậy: Đừng ăn thịt, hãy ăn chay! Đó là những lập luận rất khoa học và đầy thuyết phục (mình cũng thuộc những đối tượng được thuyết phục bởi điều đó). Thế là các ba mẹ đổi ngoặc một cái chuyển chế độ cho mình và cho con ăn chay, gọi là “Ăn chay nuôi dưỡng lòng từ bi”
Đây là một khái niệm mà cá nhân mình thấy là điều đáng đau lòng. Bạn sẽ thấy điều đó ở những cuộc trò chuyện của trẻ con: “Ba mẹ bạn cho bạn ăn thịt là ba mẹ bạn ác.”, “Ăn thịt là đày xuống địa ngục nghe chưa”,… Bạn thấy đó, cái bạn cho trẻ ăn rốt cuộc không phải là ăn chay, là từ bi mà là những khái niệm khắc nghiệt mà bạn đã gieo vào trong tâm hồn trẻ.
Đó là chưa kể đến những bạn đã lớn có những thói quen ăn uống nhất định, những niềm yêu thích nhất định với đồ ăn mặn. Ba mẹ đổi chế độ ăn chay đột ngột cho con chuyển sang ăn chay. Đứa trẻ trở nên đặc biệt thèm thuồng, nhưng chúng không được phép ăn. Rồi chúng bắt đầu tìm cách để được lén ăn các đồ ăn mặn. Điều này đặc biệt nguy hại với trẻ dưới 7t, nó sẽ chuyển thành bên trong tiềm thức các con một nỗi thèm thuồng mà sau này rất có thể nó sẽ dẫn đứa trẻ đến việc vượt một số ranh giới về đạo đức, xã hội khi trưởng thành.
Bởi ăn uống là bản năng sinh tồn, một đứa trẻ sinh ra nếu được ăn uống tự nhiên, các giác quan được phát triển tốt thì chúng tự có khả năng cảm nhận và muốn ăn những gì hợp với cơ thể của chúng. Bản thân là người chăm sóc trẻ chúng ta là những người nên lắng nghe để nhận biết được những gì cơ thể con muốn nói (chứ không phải những lập luận đầy rẫy về các phép ăn uống trên GG hoặc đa dạng thực đơn ăn dặm cho các bà mẹ). Đương nhiên việc theo dõi và lắng nghe con trẻ luôn tốn nhiều thời gian, công sức và tâm lực, nhưng nếu thực sự quan tâm đến việc nuôi dưỡng con cái thì đó là điều quan trọng. Chúng ta vẫn có một số chỉ dẫn nhất định (như việc nên cho trẻ nhỏ ăn thực vật, không nên cho trẻ ăn nhiều thịt, nhất là dưới 12t) tuy vậy việc quan trọng hơn là lắng nghe chính con của mình.
LÀM SAO ĐỂ HƯỚNG TRẺ ĂN CHAY?
– Đầu tiên, hãy xem điểm mà bạn đang bắt đầu để thực hiện việc hướng con ăn chay. Nếu điểm của bạn là em bé còn nhỏ, uống sữa là chủ yếu và chưa (hoặc mới bắt đầu) ăn dặm thì việc xây dựng lối ăn chay cho con sẽ dễ hơn. Nhưng điều quan trọng nhất mà ba mẹ cần là bảo vệ vị giác tự nhiên của trẻ. Cái này mình nghĩ thông tin có rất nhiều: trẻ ăn nhạt, không dùng nhiều gia vị, không chất điều vị,… Điều mình muốn nói ở đây là giữ được vị giác tự nhiên của trẻ thì ba mẹ dễ quan sát lắng nghe xem trẻ muốn ăn gì và không muốn ăn gì. Thức ăn từ thực vật rất tốt cho trẻ nhỏ, một đứa trẻ với vị giác tự nhiên tốt chúng luôn thấy thoải mái với những bữa ăn đầu tiên trong đời bằng thực vật. Lúc này rất thuận lợi với các gia đình ăn thuần thực vật, trẻ ăn thuần thực vật từ nhỏ thì lớn lên chúng cảm thấy khó có thể ăn thịt trở lại. Nhưng không chắc được, khi chúng vững chãi về tâm lý và cái “Tôi” của mình ở tuổi trưởng thành chúng có thể thay đổi vì một lý do nào đó. Ví dụ: Yêu và cưới 1 cô gái ăn mặn. =))
– Tuy nhiên, nếu điểm bắt đầu lớn hơn chút 2-3t và tôi thấy là con tôi thích ăn thịt từ nhỏ thì sao? Điều này có nghĩa là đứa trẻ đã được trải nghiệm với thức ăn là thịt. Có nghĩa là gia đình bạn không có truyền thống ăn chay, trẻ vẫn có cơ hội tiếp xúc với việc ăn thịt và chúng vẫn thích ăn thịt hơn. Vậy thì câu hỏi bạn cần trả lời là tại sao bạn muốn con bạn phải ăn chay? “Trẻ nhỏ ăn thực vật nhiều mới tốt”- Điều này cũng không có nghĩa là bạn cần phải chuyển hẳn sang ăn chay. “Ăn chay vì nhân đạo” – Điều này hoàn toàn vô nghĩa khi áp dụng với trẻ nhỏ. “Ăn chay để trẻ trở nên hiền và thuần hơn” – Điều này còn khủng khiếp hơn nữa khi bạn muốn đàn áp trẻ cả về suy nghĩ lẫn cảm xúc. Vì vậy, hãy cho trẻ ăn một ít thịt nếu nhận thấy con thật sự muốn ăn như vậy. Bởi trẻ nhỏ dưới 7t chúng hoạt động bằng bản năng chứ không phải lý trí. Bằng việc từ tốn điều chỉnh, bạn sẽ đưa trẻ vào quỹ đạo của bữa ăn gia đình khi trẻ lớn hơn một chút. Nếu bạn gia đình bạn đang chuyển từ mặn sang chay, trẻ cũng sẽ đi theo quỹ đạo đó. Còn nếu mọi người ăn mặn và bắt con ăn chay thì mình không còn gì để nói.
– Vậy điểm bắt đầu chuyển sang ăn chay là khi trẻ đã lớn thì sao?
Lớn nhưng vẫn dưới 7t như mình đã nói ở trên thì đừng chuyển một cái sang ăn chay ngay lập tức mà bỏ qua tâm lý của con. Làm từ từ, dần dần, để trẻ đủ lớn và thích nghi. Nếu trẻ lớn hơn nữa thì sao 8t, 9t, 12t,…? Tuổi nhỏ thì dễ, tuổi lớn rất khó. Nhất là sau khi vị giác tự nhiên đã bị ảnh hưởng nhiều bởi nhiều loại thức ăn khác nhau mà trẻ nếm trải. Và hình thành về khái niệm thức ăn – giải thích thuật ngữ này một chút – dễ thôi, như bạn thấy đấy khi người lớn chúng ta nhìn vào con vật nào con cá đang bơi, hoặc con gà đang chạy chúng ta sẽ bảo: “Ồ, ngó con này ngon nhỉ”. Một cơ chế về việc đánh giá cái gì xung quanh ăn được đã hình thành và nó tự động. Còn nếu bạn quan sát trẻ nhỏ, chúng không bao giờ cho rằng mấy con vật đó là thức ăn cả, chúng luôn cho đó là những người bạn. Vì vậy ở trẻ lớn, với các quan điểm về thức ăn đã hình thành trong mình, tất nhiên chúng sẽ có phản ứng, chúng chán nản những bữa ăn không có thịt, không muốn ăn hoặc lên tiếng phản đối các kiểu. Giải pháp là gì? Giải pháp là phá bỏ cố chấp của chính mình, ba mẹ muốn ăn chay thì cứ lựa chọn ăn chay và nấu thêm một phần thịt cho con. Sẽ có rất nhiều cơ hội để chúng ta xoa dịu và dẫn dắt con theo hướng mình muốn sau đó mà không cần phải đưa tất cả vào một cuộc chiến tranh trên bàn ăn.
ĂN CHAY VÀ LÒNG TRẮC ẨN
Mình luôn coi trọng những con người lấy việc ăn chay làm sự thực tập để nuôi dưỡng tình thương và lòng trắc ẩn. Xung quanh mình có rất nhiều gia đình mà cả nhà cùng nhau thực tập điều đó trong một bầu không khí hòa hợp và yêu thương, mọi người cùng bỏ xuống cái ham muốn ăn uống thỏa mãn vị giác của mình để ăn uống thuần chay trong một lòng biết ơn và trân quý lớn lao. Những gia đình có nền tảng tinh thần tốt và hòa hợp có thể chuyển hóa rất nhanh việc ăn uống của những đứa trẻ ngay cả khi chúng đã khá lớn.
Nhưng không phải gia đình nào cũng có những nền tảng như vậy, có những gia đình mới bắt đầu thay đổi nhận thức và vẫn đang còn nhiều phân vân, nhưng luôn mong muốn Nuôi dưỡng ở trẻ tình thương và lòng trắc ẩn trong việc ăn uống thì mình có một câu chuyện về con của một người chị như thế này. Cậu bé 8t, trong một lần gia đình tụ tập sinh hoạt mọi người làm thịt vịt để ăn. Cậu bé nhìn thấy con vịt bị làm thịt, cậu không thể chịu đựng được và tỏ ra ghét bỏ những người lớn trong gia đình, cậu bảo: “sao mọi người lại ác độc như vậy”. Sau đó, cậu bỏ ra 1 xó ngồi một mình buồn bã. Quả là một cậu bé đáng yêu! Nhưng một lát sau đó, cậu nguôi giận mọi người lấy đồ ăn ra cho cậu ăn, cậu ăn thịt con vịt lúc nãy và kêu lên: “A, ngon quá!” rồi cậu ăn ngấu nghiến hết cả nửa đĩa thịt. Cả nhà ai cũng buồn cười vì cậu. Bạn thấy đấy, đây là một cậu bé giàu lòng trắc ẩn và có sẵn tình yêu thương lớn bên trong, nhưng cậu cũng có phần ham muốn ăn uống bản năng và cái thích ở vị giác của mình. Người lớn chúng ta cười vì cậu có các thái cực vô lý trong hành vị. Nhưng thật ra, nếu chúng ta kì vọng cậu bé sẽ từ chối ăn thịt vì tình thương lớn ở cái tuổi của cậu mới là vô lý. Tuy vậy, những đứa trẻ như thế này nếu bạn nuôi dưỡng trẻ lớn lên trong một văn hóa gia đình đầy tình thương và lòng trắc ẩn, chắc chắn khi trưởng thành đủ lý trí và sức mạnh để vượt những bản năng thấp, cậu sẽ luôn có những lựa chọn phù hợp nhất về việc tôi cần phải ăn gì. Và lúc đó sẽ là những người mẹ phàn nàn về việc ăn chay thiếu chất! hihihi.
Nuôi lớn tình thương và lòng trắc ẩn không phải chỉ là những thứ nói suông bằng lời. Bạn muốn con mình có tình thương lớn, lòng trắc ẩn lớn, bạn phải chính là người có được điều đó trước. Và tuyệt đối không áp đặt lên con của mình, đưa tới cho con những khái niệm khắc nghiệt như: “Ăn mặn là tạo nghiệp”, “Ăn chay là từ bi”,… Mình biết rất nhiều những ba mẹ có những thay đổi trong đời sống tâm linh của mình, muốn cả gia đình đều chuyển sang ăn chay. Tuy vậy, trên cuộc hành trình chuyển đổi đó hay lắng nghe nhiều hơn đứa con của mình để có những sự hài hòa phù hợp. Với mình, việc ăn mặn hay ăn chay không quan trọng, quan trọng là mình làm chủ được cái sự ăn của mình chứ không để cho cái sự ăn làm chủ mình.
Những điều còn quan trọng hơn chay hay mặn:
- Sự biết ơn. Ăn trong lòng biết ơn. Nấu ăn vừa đủ, không để thức ăn thừa, mứa, đổ đi. Nếu trường hợp có thức ăn thừa, loại có thể để lại được thì để lại dùng sau, loại không thể để lại được thì cũng xử lý với một sự trân trọng như đem cho các con vật nuôi. Đây là điều nuôi dưỡng lớn lao với tâm hồn của con người. Một gia đình có truyền thống không biết coi trọng thức ăn, ăn uống phung phí, đổ thức ăn thường xuyên sẽ khó mà nuôi dưỡng được những đứa trẻ biết trân trọng những giá trị của cuộc sống.
- Ăn trong niềm vui. Ông bà hay nói “Trời đánh tránh bữa ăn” để nói đến việc đừng phiền ai khi bữa ăn của họ đang đến. Nấu nướng trong hạnh phúc và ăn với niềm vui, tận hưởng bữa ăn: “Chà, món này ngon nhỉ.” “Món này cũng ngon nữa nè” , “hôm nay mẹ nấu ăn ngon ghê”,… những điều này làm cho thức ăn đem đến nhiều thứ hơn cả các cấu thành dưỡng chất vật lý của chúng. Ngài Oshawa vẫn luôn nói: “Người khỏe mạnh thì ăn gì cũng thấy ngon” lúc nào cũng tràn ngập sự thích thú với bữa ăn. Nếu chính những người lớn ăn không ngon miệng, không vui vẻ thì bạn cần xem lại các khía cạnh sức khỏe của mình. Những người xung quanh trẻ ăn uống trong niềm vui và hào hứng thì đứa trẻ rất dễ dàng hòa nhập vào đó. Điều này cũng có nghĩa là bạn không thể nào biến bữa ăn thành những cuộc chiến hay những sự cưỡng ép. Ép ăn là một trong những bất hạnh đầu đời đến với chúng ta. Xin hãy buông xuống cho những đứa trẻ bất hạnh này.
- Khi không muốn ăn thì không cần ăn. Cơ thể con người rất kì diệu, nếu có vấn đề chúng tự động không muốn ăn uống, hệ tiêu hóa giảm làm việc để được nghỉ ngơi. Đó cũng là một cơ chế tự dương hóa trước các tác nhân âm như viêm nhiễm, nóng sốt,… Cho nên đó là lý do tại sao chúng ta nóng sốt ăn vào lại mửa ra ngay. Thật ra, việc này xảy ra khắp nơi trong tự nhiên, các loại vật tự động nhịn ăn để tự chữa lành cho mình. Một đứa bé không muốn ăn bất kì thứ gì là một vấn đề, bạn không nên tập trung vào việc ép con ăn cho được, hãy lắng nghe xem các vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm lý của con thế nào. Một lần nữa, ăn là bản năng sinh tồn, những điều thuộc về bản năng sinh tồn là rất cơ bản và mạnh bên trong con người, cho phép con người tạo ra các cơ hội cho sự tồn tại của mình. Nếu bản năng này có vấn đề bạn phải tập trung xem xét nó.
- Được đói. (Tất nhiên không phải theo hướng bỏ đói tiêu cực nhé). Chúng ta cần cảm giác đói tự nhiên để hệ tiêu hóa được làm việc khỏe mạnh hơn. Chúng ta cần được cảm giác đói để ý chí mạnh mẽ hơn. Cảm giác đói cũng làm mạnh giác quan đời sống. Chúng ta cần cảm giác đói để ăn uống với một sự trân quý và biết ơn nhiều hơn. Chúng ta cần cảm giác đói để đầu óc sáng suốt hơn. Cảm giác đói khiến việc ăn uống trở nên lành mạnh. Nhưng đó là một điều xa xỉ với những đứa trẻ được chăm sóc tỉ mẩn trong thời buổi này. Vậy, xin các ba mẹ hãy cho con trẻ một chút cảm giác đói.
Đinh Thúy Hiền